Đối với nhiều người, các chiến dịch marketing của thương hiệu ắt hẳn phải “sang, xịn, mịn”: chi cả “tỷ đô” để thực hiện loạt OOH, hợp tác với các ngôi sao hạng A tung TVC điệu nghệ,... Thế nhưng có một yếu tố quan trọng trong chiến lược marketing của các thương hiệu này ít ai ngờ đến là SEO - Search Engine Optimizer.
SEO mang lại những lợi ích gì cho các thương hiệu?
Trong một trung tâm thương mại hoặc con phố nhộn nhịp, các thương hiệu có xu hướng lựa chọn vị trí đắc địa nhất để đặt cửa hàng, qua đó giúp khách hàng dễ dàng nhìn thấy và lui đến mua sắm. Tương tự, trên không gian mạng, các thương hiệu cũng sẽ mong muốn lựa chọn được vị trí hiển thị bắt mắt nhất. Để làm được điều đó, việc xuất hiện trên các công cụ tìm kiếm là một trong những ưu tiên hàng đầu của thương hiệu nhờ khả năng tiếp cận đa dạng các tệp khách hàng khác nhau với quy mô “khổng lồ”.
1. Gia tăng khả năng hiển thị
Theo dữ liệu từ công ty NetBase Quid, thế hệ Z và Millennials hiện chiếm gần 50% giao dịch mua hàng xa xỉ và được dự đoán rằng 30% tổng doanh số ngành hàng xa xỉ sẽ diễn ra trực tuyến vào năm 2025. Mặc dù không phải tất cả các đơn hàng đều được thanh toán trực tuyến, thế nhưng có đến 90% người dùng sử dụng nền tảng trực tuyến tại một số thời điểm trong suốt hành trình mua sắm của họ. Điều này đã dẫn đến 60% thương hiệu cao cấp trên cầu hiện đang nỗ lực gia tăng mức độ hiện diện trực tuyến.
2. Góp phần tăng mức độ nhận diện thương hiệu
Trong phân khúc thương hiệu, cả các tên tuổi lâu đời và công ty khởi nghiệp đều đang cạnh tranh để giành lấy sự chú ý của người dùng. Vì thế, những doanh nghiệp thường xuyên xuất hiện trên các công cụ tìm kiếm sẽ khắc sâu danh tính của họ vào tâm trí khán giả, nhất là khi người tiêu dùng dành phần lớn thời gian tìm hiểu sâu về thông tin thông qua những công cụ tìm kiếm. Ngoài ra, SEO cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa nội dung, liên kết các giá trị như tên, logo và câu chuyện cụ thể của thương hiệu với khách hàng. Cùng với SEO, việc thể hiện nhất quán hình ảnh và phong cách cũng sẽ thúc đẩy mức độ nhận diện thương hiệu.
3. Tăng cường trải nghiệm người dùng và mức độ uy tín của thương hiệu
Chỉ thu hút khách hàng bằng mắt là chưa đủ, các thương hiệu cần tạo cho họ cảm giác hài lòng bởi đây là yếu tố then chốt trong bất kỳ hoạt động kinh doanh nào, đặc biệt là trong quá trình kinh doanh trực tuyến. Việc nâng cao khả năng truy cập trang web và trải nghiệm người dùng thông qua chiến lược SEO sẽ giúp người dùng tiếp cận các điểm tiếp xúc kỹ thuật số của thương hiệu.
Bên cạnh đó, việc các thương hiệu xuất hiện ở đầu kết quả tìm kiếm thể hiện sự uy tín và mang lại cảm giác đáng tin cậy cho người tiêu dùng. Mức độ hiện diện mạnh mẽ trên Internet sẽ góp phần nâng cao nhận thức về thương hiệu trong mắt khách hàng tiềm năng, củng cố mối liên kết giữa thương hiệu và người tiêu dùng.
4. Yếu tố quan trọng giúp thương hiệu xây dựng lợi thế cạnh tranh
Mặc dù kết quả kinh doanh của thương hiệu chỉ tốt khi sản phẩm của họ đủ chất lượng và độc đáo, thế nhưng nếu doanh nghiệp bị “chôn vùi” trong kết quả tìm kiếm, người dùng có thể thẳng thắn lướt qua, bất kể sản phẩm hoặc dịch vụ đó có tốt đến đâu. Bằng cách đầu tư vào SEO, thương hiệu đảm bảo người dùng không chỉ được nhìn thấy mà còn được nhìn thấy đầu tiên, qua đó duy trì tính cạnh tranh trên nền tảng trực tuyến, giành được lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh và chiếm được thị phần lớn hơn.
5. Cải thiện ROI
Trong vài năm qua, SEO đã được chứng minh là động lực vượt trội để mang lại lợi tức đầu tư (ROI) ấn tượng cho thương hiệu. Trong khi các nỗ lực tiếp thị khác cần được bổ sung ngân sách liên tục để duy trì hiệu quả, một chiến lược SEO phù hợp sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho thương hiệu. Theo đó, doanh nghiệp có thể tốn một phần chi phí vào việc đầu tư SEO trong giai đoạn đầu, nhưng những lợi ích lâu dài và ROI mà thương hiệu nhận được thường lớn hơn mức phí đã bỏ ra, đặc biệt đối với các thương hiệu xa xỉ có tỷ suất lợi nhuận cao. Đây là một khoản đầu tư thông minh giúp thương hiệu đạt được cả các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.
Thế nhưng, cũng cần lưu ý rằng việc có được vị trí nổi bật trên Internet là không đủ. Các thương hiệu cần hiểu được tệp khách hàng mục tiêu của mình là ai, họ tìm kiếm điều gì, thời điểm nào thích hợp để hiển thị nội dung nhất,... Tiếp cận khách hàng một cách khéo léo, bài bản sẽ giúp thương hiệu cộng hưởng với đối tượng khách hàng phù hợp.