Trong thời đại kỹ thuật số khi mà hàng triệu thông tin được chia sẻ và cập nhật liên tục theo từng phút giây, một trong những cách hiệu quả giúp thương hiệu thu hút sự chú ý của người tiêu dùng và trở nên nổi bật trên thị trường chính là tận dụng những xu hướng mới và biến nó thành cơ hội truyền thông, hay còn được gọi với thuật ngữ "Newsjacking".
Nhờ tính gần gũi, dễ hiểu và dễ liên tưởng đến các sự kiện hot đang diễn ra trong cộng đồng, có thể nói Newsjacking chính là công cụ hiệu quả để thương hiệu tạo ra sức lan toả cao với chi phí tiếp thị ở mức tối thiểu. Khi nói đến các xu hướng (trend), nhiều người nghĩ rằng: "Ai bắt trend nhanh hơn, người đó thắng". Thế nhưng, thực tế đã chỉ ra rằng một chiến lược Newsjacking hiệu quả là khi hành động "bắt trend" đó được thực hiện đúng cách, đúng thời điểm.
Newsjacking là gì?
Newsjacking là một chiến lược content marketing mà ở đó, thương hiệu tận dụng các sự kiện đang thu hút sự chú ý của cộng đồng để tạo nên những nội dung “bắt trend” và thúc đẩy mức độ tiếp cận, tương tác của khách hàng theo thời gian thực. Thuật ngữ này lần đầu được giới thiệu trong quyển sách mang tên Newsjacking: How to Inject your Ideas into a Breaking News Story and Generate Tons of Media Coverage (tạm dịch: Newsjacking: Tận dụng tin tức ‘nóng hổi’ để tạo ý tưởng và thúc đẩy độ thảo luận trên truyền thông) của tác giả David Meerman Scott, đồng thời được bình chọn là “từ ngữ của năm 2017” bởi Oxford Dictionaries.
![]() |
David Meerman Scott - "cha đẻ" của thuật ngữ Newsjacking |
Thực tế đã chỉ ra rằng, nếu được tận dụng đúng cách, Newsjacking có khả năng mang về cho thương hiệu lượng tương tác “khổng lồ”, từ đó mở rộng phạm vi tiếp cận đến với khán giả đại chúng cũng như gia tăng mức độ gắn kết và xây dựng lòng trung thành với các khách hàng hiện tại. Tuy nhiên, nếu không khéo, việc “bắt trend” có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro với hậu quả nghiêm trọng nhất là ảnh hưởng đến danh tiếng thương hiệu.
“Bắt trend” thế nào cho hiệu quả?
Giữa thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, thời gian một tin tức trở nên phổ biến và có độ thảo luận cao trong công chúng được đánh giá là ngày càng rút ngắn, không còn tính bằng tuần nữa mà thay vào đó là được đo bằng ngày hay thậm chí là bằng giờ. Trong quyển sách của mình, tác giả David Meerman Scott đã đưa ra một biểu đồ khắc họa vòng đời của một tin tức “hot”, từ đó giúp thương hiệu xác định thời điểm tốt nhất để “bắt trend”.
Cụ thể, ông cho rằng, bất kỳ một sự kiện hay tin tức nào đều đi qua 6 giai đoạn:
- Breaking news: Bùng nổ tin tức
- Journalist scramble for additional information: Phóng viên vào cuộc, bắt đầu thu thập thêm thông tin về sự kiện
- Public excitement grows: Công chúng bắt đầu phấn khích với tin tức mới
- Peak: Độ “hot” của tin tức đạt đến đỉnh điểm
- Old News: Tin tức dần trở nên mờ nhạt, mức độ quan tâm của công chúng giảm dần theo thời gian
- Done: Tin tức chìm vào quên lãng
Bên cạnh đó, biểu đồ cũng cho thấy “thời điểm vàng” để các thương hiệu tận dụng hình thức Newsjacking trong truyền thông chính là ngay sau giai đoạn Breaking News và có thể được duy trì đến giai đoạn Peak. Qua thời điểm đó, khi công chúng đã có đủ thông tin về sự việc và bắt đầu có xu hướng giảm dần mức độ hứng thú với tin tức, thương hiệu không nên thực hiện Newsjacking nếu không muốn bị cho là lạc hậu.
Thế nhưng, câu hỏi được đặt ra là: “Làm thế nào để các thương hiệu có thể xác định liệu một tin tức có phải là ‘trend’ hay không?” và “Đâu là những nguồn thông tin giúp thương hiệu xác định tin tức ‘hot’ kịp thời và hiệu quả?”. Một trong những cách làm hiệu quả được nhiều thương hiệu sử dụng để nắm bắt thị trường chính là tận dụng các công cụ Social Listening hoặc các nền tảng có sẵn như Google Trends, Twitter/X hoặc Facebook để đo lường mức độ thảo luận của người dùng khi sự kiện nổ ra và dự đoán về khả năng viral của sự kiện đó.
Một vài tips giúp bạn thực thi được chiến dịch newsjacking thành công
Trên thực tế, một tin tức có thể trở nên cực hot và rồi giảm nhiệt ngay sau đó, vậy nên chìa khóa để “bắt trend” thành công là phải sẵn sàng hành động nhanh chóng. Để nhận được cập nhật “nóng hổi” về các chủ đề và xu hướng, hãy cài đặt Google Alert và ghé thăm Google Trends thường xuyên. Trong khi Google Alert cung cấp lựa chọn về chủ đề bạn muốn nhận được thông báo, Google Trends là một công cụ vô cùng hữu ích giúp bạn luôn theo sát được những topic đang thịnh hành có liên quan đến doanh nghiệp của bạn.
1. Chủ đề bạn định viết có lượng từ khóa có thể tìm kiếm được
Một khi bạn tìm thấy một câu chuyện phù hợp để “bắt trend”, hãy bắt đầu dành thời gian tìm kiếm những từ hoặc cụm từ khóa bạn có thể khai thác. Dù thuật toán của Google sẽ ưu tiên việc viết về tin tức mới trước, bạn vẫn có thể nhận được sự chú ý từ việc nhắm đến những từ khóa với lượng tìm kiếm cao hơn. Đó chính là thông tin hữu ích bạn nên tận dụng mỗi khi xây dựng và tối ưu hóa nội dung của mình, và tất cả chỉ từ vài phút nghiên cứu từ khóa.
2. Thực sự nổi bật so với đối thủ
Đối thủ của bạn cũng đang “lăm le” xâm chiếm vị trí top đầu với phương thức tương tự. Bởi vậy, hãy khiến câu chuyện của bạn thực sự khác biệt với những thông điệp sáng tạo hơn.
Đầu tiên, hãy tự hỏi xem liệu khách hàng mục tiêu của thương hiệu thường được thu hút bởi điều gì? Liệu có thể khai thác yếu tố nào từ những sản phẩm hoặc dịch vụ hiện có của thương hiệu trong chiến dịch newsjacking? Bạn có thể tạo những dạng nội dung khác nhau. Trong đó, meme cũng là một dạng content thú vị giúp thể hiện khía cạnh vui vẻ và hài hước của thương hiệu trên mạng xã hội, thậm chí còn làm tăng độ “viral” cho nội dung của bạn hơn nữa.
Cuối cùng, để tăng lượt tiếp cận, đừng quên sử dụng những hashtag đang thịnh hành bên cạnh hashtag truyền thống của thương hiệu.
3. Nội dung truyền tải phù hợp, không mang tính tiêu cực hay nhạy cảm
Dù bạn biết rằng thương hiệu của mình cần giành giật spotlight với đối thủ, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn có thể bất chấp và đăng tải những nội dung không phù hợp và liên quan tới thương hiệu chỉ để thu hút sự chú ý. Chẳng hạn, một số chủ đề bạn nên tránh bình luận là thiên tai, chiến tranh, xung đột và những chủ đề mang tính tranh cãi khác trên mạng xã hội hoặc bên ngoài đời sống.
4. Chia sẻ nội dung bắt trend kịp thời
Trong mô hình bên trên, bạn biết được rằng mình cần phải truyền đi thông điệp trước khi tin tức nóng hổi kia lên đến giai đoạn cao trào, và lý tưởng nhất là khi những nhà báo vẫn đang đi “săn” thêm thông tin chi tiết. Chỉ có như vậy thì thương hiệu của bạn mới có thể tận dụng được hết tiềm năng của newsjacking. Hãy tích cực chia sẻ trên các trang mạng xã hội đồng thời tạo mối quan hệ tốt đẹp với các đối tác truyền thông khác để củng cố vị thế của thương hiệu mỗi khi tung ra chiến dịch newsjacking!
Kết luận
Newsjacking là một phương pháp thú vị giúp doanh nghiệp tăng nhiệt cho thương hiệu dựa trên những hot trend đang hiện hành. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần lưu ý rằng không phải mọi câu chuyện được “newsjack” đều sẽ trở nên viral, do đó cũng không nên quá lạm dụng chiến thuật này.
Điều quan trọng là một khi đã quyết định áp dụng newsjacking, doanh nghiệp sẽ cần phải thật sáng tạo và duyên dáng với thông điệp muốn truyền tải.