Mô hình kinh doanh homestay là một loại hình khác của dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ mới du nhập vào nước ta trong vài năm gần đây nhưng đã tạo được sức hút hấp dẫn đối với du khách, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài. Hãy xem xét một số tiêu chí kinh doanh loại hình này để cân nhắc nhé.
Vốn đầu tư ban đầu ít, linh hoạt: Nếu chỉ có một số vốn nhỏ, bạn có thể cải tạo, sửa chữa lại chính ngôi nhà của mình cho phù hợp với dạng homestay. Hoặc bạn cũng có thể đi thuê nhà tại những khu vực thích hợp, đầu tư sửa chữa là cũng có thể kinh doanh homestay. Tuỳ theo điều kiện tài chính, bạn hãy lựa chọn hướng đầu tư thích hợp để có thể kinh doanh homestay hiệu quả.
Mô hình lưu trú hấp dẫn du khách, nhất là khách du lịch nước ngoài: Có thể nói với giá cả hợp lý, vừa phải, khá tiết kiệm so với dịch vụ khách sạn nhưng vẫn có đầy đủ tiện nghi mà lại thoải mái, gần gũi, thân thiện, không gian mới mẻ và được trải nghiệm văn hoá địa phương chính là các yếu tố tạo nên sức hấp dẫn cho loại hình homestay đối với khách du lịch.
Điều kiện cần khi kinh doanh homestay là gì?
1. Điều kiện kinh doanh homestay
Theo luật quy định, bạn muốn kinh doanh dịch vụ homestay cần đáp ứng đủ điều kiện sau
- Phải có đăng ký kinh doanh lưu trú du lịch;
- Phải có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật đối với cơ sở lưu trú du lịch.
Ngoài ra, để xin cấp giấy phép kinh doanh homestay, bạn cần đáp ứng được các điều kiện.
- Phải có đầy đủ thiết bị an toàn, tiện nghi. Cần phải bảo đảm được những tiện nghi cơ bản chẳng hạn như: Quạt, đèn, giường nệm; đồ dùng cá nhân, chốt phòng, điều hòa; cần phải có phương án phòng chống cháy nổ.
- Diện tích của phòng thì cần bảo đảm được đủ không gian: 3m vuông đối với phòng tắm; 10m vuông đối với phòng đôi; 8m vuông đối với phòng đơn.
- Hình thức hoạt động kinh doanh homestay phải thuộc dạng là một dịch vụ về du lịch để cho khách du lịch trải nghiệm như người bản địa.
- Cần phải có thông tin bảng giá niêm yết một cách công khai về toàn bộ những dịch vụ.
2. Kinh doanh homestay cần bao nhiêu vốn?
Sẽ không ai có thể tư vấn cho bạn chính xác là bạn sẽ cần bao nhiêu tiền thì mới đủ kinh doanh homestay đâu. Tuy nhiên một trong các lý do kinh doanh homestay lại thu hút là vì số vốn bỏ ra sẽ ít hơn nhiều so với việc bạn mở một khách sạn. Để biết mình cần phải chuẩn bị bao nhiêu tiền khi kinh doanh dịch vụ này, bạn cần xác định được mô hình kinh doanh của mình.
Tận dụng chính ngôi nhà của mình để kinh doanh homestay: Nếu bạn có ngôi nhà rộng rãi, thoáng mát thích hợp kinh doanh homestay thì mô hình đầu tư này khá tiết kiệm chi phí. Bạn chỉ cần tốn chi phí để cải tạo lại bố cục ngôi nhà cho thích hợp với việc khách du lịch sẽ ở cùng với chủ nhà, cũng như chi phí trang bị các tiện nghi sinh hoạt và dịch vụ cho khách.
Đi thuê nhà để kinh doanh homestay: Các chi phí bạn sẽ cần phải bỏ ra bao gồm phí đặt cọc thuê nhà, tiền thuê nhà hàng tháng, phí sửa chữa, chi phí trang trí nội thất, mua sắm thiết bị tiện nghi sinh hoạt cho homestay. Nếu kinh doanh theo hướng này, bạn cần xác định kế hoạch kinh doanh cụ thể và tính toán kỹ chi phí để có kế hoạch thu hồi vốn hợp lý cũng như thương thảo hợp đồng thuê nhà cho phù hợp.
Mua nhà/Xây dựng nhà để kinh doanh homestay: Trường hợp bạn mạnh về tài chính thì có thể kinh doanh homestay theo hướng này. Để việc kinh doanh hiệu quả, bạn nên chọn mua những ngôi nhà ở những khu vực có vị trí đẹp, thuận tiện về giao thông, dễ dàng kết nối với các điểm du lịch, bến xe, sân bay. Xung quanh khu vực làm homestay phải có hệ thống dịch vụ đa dạng, chất lượng cao. Kinh doanh homestay theo hình thức này sẽ cần số vốn lên đến hàng tỷ đồng đấy nhé.
3. Những điều cần biết khi kinh doanh Homestay?
Để việc kinh doanh homestay thành công thì bạn cần có chiến lược kinh doanh cụ thể cũng như có bản kế hoạch chi tiết xác định được những yếu tố cần thiết sau trước khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình
Trang trí homestay theo phong cách nào: Không gian bên trong của homestay chính là điểm có thể hấp dẫn du khách lựa chọn địa điểm của bạn cũng như giới thiệu đến bạn bè, người thân. Bạn nên chuẩn bị ý tưởng trang trí thiết kế cho không gian homestay phù hợp với nhóm đối tượng khách hàng mà bạn hướng đến. Nên chú trọng với những thiết kế độc đáo, sáng tạo nhưng cũng thuận tiện cho các sinh hoạt của khách.
Lựa chọn trang thiết bị phục vụ cho tiện nghi sinh hoạt và dịch vụ: Lên kế hoạch cụ thể các trang thiết bị cần mua để phục vụ hiệu quả cho các nhu cầu sinh hoạt cần thiết của khách. Khi lưu trú tại homestay, du khách thường sẽ tự phục vụ, nên bạn cần trang bị đầy đủ các thiết bị cần có cho tiện nghi sinh hoạt. Với tần suất sử dụng nhiều, vì thế chọn mua những trang thiết bị tốt và chất lượng sẽ tiết kiệm chi phí sửa chữa hỏng hóc hơn khi mua đồ kém chất lượng bạn nhé.
Kế hoạch marketing homestay: Để có thêm nhiều khách hàng, bạn cũng cần xây dựng chiến lược marketing với việc tận dụng sức mạnh của Internet và mạng xã hội để giới thiệu homestay của bạn đến với khách hàng ở khắp mọi nơi. Việc quảng bá rộng rãi sẽ giúp cho homestay của bạn đón được nhiều khách hơn.
Xây dựng các chính sách ưu đãi để thu hút khách hàng: Bạn cũng cần chuẩn bị các chiến lược linh hoạt về giá, những ưu đãi đặc biệt ở các mùa vắng khách hay dành cho khách đi nhóm đông người để thu hút được khách hàng. Hãy nhớ là chăm sóc khách hàng tốt cũng chính là cách tiếp thị hiệu quả để homestay của bạn có khách dồi dào hơn.
4. Một số mô hình kinh doanh homestay được ưa chuộng?
Homestay cổ điển: Du khách lựa chọn homestay cũng có mục đích mong muốn được tìm hiểu và trải nghiệm về cuộc sống thường nhật, phong tục tập quán cũng như những nét đặc trưng của người dân và địa phương mà họ đến. Vì vậy, những homestay được trang trí theo phong cách cổ điển, hoài niệm về không gian xưa giúp du khách hiểu hơn về văn hoá địa phương cũng như có được những phút giây thư giãn, tìm về kỷ niệm, sự yên bình, tạm xa cuộc sống với bao lo toan bộn bề là mô hình kinh doanh homestay khá thu hút khách hàng hiện nay.
Homestay cao cấp: Hiện nay cũng có những yêu cầu tiện nghi cao hơn nên mô hình kinh doanh homestay cao cấp cũng phổ biến hơn trước. Homestay cao cấp có đầy đủ tiện nghi như khách sạn 4 sao hay 5 sao nhưng vẫn đáp ứng tiêu chí trải nghiệm được cuộc sống của người dân địa phương và đặc biệt là giá cả phải chăng hơn so với khách sạn cao cấp. Vì thế, mô hình homestay này rất thu hút đối tượng khách hàng là doanh nhân công tác dài ngày, khách nước ngoài hoặc những người trẻ với phong cách sống hiện đại, thu nhập cao.
Homestay thân thiện với thiên nhiên: Sự kết hợp với xu hướng du lịch sinh thái đã phát triển của mô hình homestay mộc mạc, dân dã, thân thiện và hướng về thiên nhiên. Những khu homestay này có thể kết hợp với các hoạt động dã ngoại dân dã của địa phương nên sẽ rất thu hút du khách, nhất là du khách nước ngoài.
Homestay với những kiến trúc độc đáo: Kiến trúc độc đáo có thể thu hút được khách hàng nhiều hơn. Và cũng được nhiều du khách quan tâm và lựa chọn. Loại hình homestay mới lạ, độc đáo được yêu thích như là: Homestay trên cây, homestay hình thùng rượu vang, homestay nhà sàn, homestay dân dã miền Tây, homestay kiểu tổ chim...
Để tăng trãi nghiệm khám phá của khách du lịch, bạn có thể khai thác thêm dịch vụ cho thuê xe máy sẽ rất hiệu quả. Nếu là người dân địa phương và có sự am hiểm về kiến thức văn hoá xã hội, bạn cũng có thể trở thành người hướng dẫn tour và kinh doanh dịch vụ này. Ngoài ra, bán những món quà lưu niệm đặc trưng của địa phương cũng có thể kết hợp khi kinh doanh homestay nhé. Và càng kết hợp được thêm nhiều dịch vụ khác với kinh doanh homestay, thu nhập và lợi nhuận của bạn cũng sẽ tăng đáng kể đấy.
Bạn cũng có thể tận dụng hiệu quả của mạng Internet và mạng xã hội để giới thiệu dịch vụ homestay của mình đến khách hàng ở khắp mọi nơi. Dịch vụ tốt thu hút khách hàng, kinh doanh hiệu quả thì chắc chắn chỉ trong khoảng thời gian ngắn là bạn có thể thu hồi được vốn đầu tư.